Nơi này khiến chúng ta giao tiếp với nhau một cách chậm lại hơn.

“TIỆM GIẶT LÀ CỦA NGƯỜI ĐIẾC” – NƠI GIÚP BẠN TRẢI NGHIỆM MỘT CÁCH SỐNG MỚI

Nằm ở số 7 trên đường bờ sông Sét (phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội), tiệm giặt là này hoạt động 24/7 với 1 quản lý, 2 nhân viên (tất cả đều là người Điếc, sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau).

"Tiệm giặt là của người Điếc" - nơi giúp bản thân trải nghiệm một mô hình giao tiếp mới, nơi TRÁCH NHIỆM được đặt lên hàng đầu - Ảnh 1.

Tiệm giặt có diện tích khá khiêm tốn nhưng được sắp xếp rất quy củ khiến cho không gian rất thoáng. Khi bước chân vào tiệm giặt, dù đã tìm hiểu trước rằng những người làm việc tại đây đều Điếc nhưng tôi vẫn phải loay hoay một lúc khi không biết nên bắt đầu như thế nào. Sau một hồi loay hoay có vẻ chị chủ đã nhìn thấy tôi và đưa tôi cây bút và tờ giấy, từ đây chúng tôi bắt đầu giao tiếp theo một cách “đặc biệt” hơn. 

"Tiệm giặt là của người Điếc" - nơi giúp bản thân trải nghiệm một mô hình giao tiếp mới, nơi TRÁCH NHIỆM được đặt lên hàng đầu - Ảnh 2.

Tiệm túc tắc người ra người vào đưa đồ lấy đồ, hầu hết mọi người ở đây đều là khách quen. Khi khách đưa đồ, nhân viên kiểm tra một cách cẩn thận đồ, hỏi xem khách có nhu cầu nào khác không bằng những kí hiệu trên mặt bàn. Cứ thế một người viết, một người dùng những kí hiệu để ra dấu hiệu. Có lẽ, sẽ mất thời gian lâu hơn đôi chút nhưng việc trải nghiệm một hình thức giao tiếp rất thú vị.

Nếu là khách quen thì không cần đến giấy bút mà bản thân họ cũng đã học được vài kí hiệu cơ bản để có thể truyền đạt được ý của mình. 

"Tiệm giặt là của người Điếc" tại Hà Nội, nơi mà con người ta giao tiếp với nhau một cách chậm lại, ngôn ngữ kí hiệu lên ngôi - Ảnh 3.

Chú Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Bản thân chú là khách quen của tiệm, nhà chú có đồ gì cũng mang qua đây giặt. Nói chung dịch vụ ở đây rất tốt, các bạn thì rất nhiệt tình. Mới đầu thì cũng khá bỡ ngỡ khi không biết nên giao tiếp với các bạn thế nào nhưng rồi một hai lần rồi quen.

Đối với bản thân chú những người khuyết tật họ đã rất cố gắng để hòa nhập với cộng đồng thì tại sao mình không hỗ trợ, làm đòn bẩy giúp cho họ để trở nên tự tin hơn. Chưa kể, tiệm giặt còn rất ổn, giá thành cũng không quá cao”.

NƠI NGƯỜI TA HIỂU NHAU QUA CÁC KÍ HIỆU – TRÁCH NHIỆM ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU

Khi nhận đồ khách xong, nhân viên sẽ trao đổi với nhau và note lại những gì cần lưu ý với từng món đồ của khách. Đừng từ xa hoặc không biết tiệm giặt này là của người Điếc thì chắc chắn bạn sẽ nghĩ rằng hai người trong đó đang tranh luận hay cãi cọ gì đó. Bởi ngôn ngữ giao tiếp của họ là những kí hiệu. 

"Tiệm giặt là của người Điếc" tại Hà Nội, nơi mà con người ta giao tiếp với nhau một cách chậm lại, ngôn ngữ kí hiệu lên ngôi - Ảnh 4.

Có lẽ, nếu bạn trải nghiệm mô hinh này giống tôi, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này sẽ trôi chậm hơn một chút, bản thân chúng ta sẽ hiểu nhau hơn một chút qua ánh mắt hay cử chỉ. Đứng chứng kiến cách những người nhân viên ở đây làm việc thì bạn sẽ thấy rõ được tâm huyết của họ trong công việc.

"Tiệm giặt là của người Điếc" tại Hà Nội, nơi mà con người ta giao tiếp với nhau một cách chậm lại, ngôn ngữ kí hiệu lên ngôi - Ảnh 5.

Theo chị Thuý, từ khi mở cửa hàng đến nay, đã có nhiều khách hàng quay lại giặt đến hơn 10 lần, nhiều khách hàng dùng ngôn ngữ cơ thể, sử dụng điệu bộ, cử chỉ để giao tiếp với người Điếc và còn tương tác qua lại, vẫy tay chào các bạn khi ra về…

Chị Thúy bộc bạch: “Mình rất may mắn khi được đồng hành với các bạn người Điếc có trách nhiệm trong công việc và cũng là vì cái nghề này phải mở tiệm thường xuyên.”

"Tiệm giặt là của người Điếc" tại Hà Nội, nơi mà con người ta giao tiếp với nhau một cách chậm lại, ngôn ngữ kí hiệu lên ngôi - Ảnh 7.

DÀNH TRỌN TÂM TƯ CHO TIỆM GIẶT LÀ NGƯỜI ĐIẾC – CỨ KIÊN TRÌ RỒI SẼ THÀNH CÔNG

Chủ tiệm giặt là một cô gái 9X – Lương Thị Kiều Thúy. Cô cũng bị Điếc từ năm 10 tuổi, nhưng với ý chí kiên cường cô luôn cố gắng hết mình để cống hiến cho xã hội. Từ đó tiệm giặt là của người Điếc ra đời. Nơi đây không chỉ là cơ sở kinh doanh mà còn là địa chỉ tạo công ăn việc làm cho những người Điếc, giúp họ tự tin hơn.

"Tiệm giặt là của người Điếc" - nơi giúp bản thân trải nghiệm một mô hình giao tiếp mới, nơi TRÁCH NHIỆM được đặt lên hàng đầu - Ảnh 7.
Chị Thúy – chủ tiệm giặt là người Điếc.

Chia sẻ về quá trình mở tiệm đến nay, chị Thúy cho biết bản thân ấn tượng nhất chắc là thời gian đầu: “Khi đó mình dốc toàn bộ công sức, thời gian để có thể mở tiệm giặt đầu tiên, mình thì khá kiên trì nên dù khó khăn đến đâu mình cũng không lùi bước, thành quả là mình đã mở được cửa tiệm đầu tiên bằng hình thức liên danh. Đến tiệm giặt thứ 2 thì mình mới thực sự dùng tài chính của mình cùng một số người bạn khuyết tật nữa để mở.”

"Tiệm giặt là của người Điếc" - nơi giúp bản thân trải nghiệm một mô hình giao tiếp mới, nơi TRÁCH NHIỆM được đặt lên hàng đầu - Ảnh 8.
Chị cũng luôn tất bật với công việc của cửa hàng.

Chị Thúy tâm sự sâu hơn về công việc của bản thân, chị cho biết: “Hiện tại, mình tập trung 100% cho tiệm giặt nhưng vẫn hoạt động các dự án khác nhau trong cộng đồng để có thể kết nối nhiều hơn. Như Tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật là dự án của Hội NKT thành phố Hà Nội. Đây không phải là nghề có thu nhập nhưng mình muốn học để làm vì nếu có nhiều người xin việc ở tiệm giặt nhưng không phù hợp thì mình có thể hướng nghiệp cho họ đến các công việc khác phù hợp hơn. Và các nhân viên của mình cũng được định hướng công việc lâu dài, ổn định cuộc sống tốt hơn”.

Với chị Thúy điều quan trọng nhất để có thể làm các dự án cộng đồng đó là hiểu về cộng đồng đó, biết cách giao tiếp và truyền đạt ngôn ngữ. Như với cộng đồng người Điếc thì người làm dự án cũng phải biết ngôn ngữ ký hiệu và gặp gỡ người Điếc nhiều hơn để có được sự tin tưởng. Đặc biệt nhất là không định kiến cá nhân về cộng đồng mình đang làm.

Cuối cùng, chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, chị Thuý bộc bạch, bản thân sẽ nghiên cứu, mở rộng mô hình này để dạy nghề cho người Điếc vì khi có nghề nghiệp, người điếc có thể tự làm chủ cuộc sống hoặc tự phục vụ bản thân mình với nhu cầu xã hội.

Bài viết gốc: Afamily.vn, 14/03/2022

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *